Ngày đăng: 09:15 AM 27/01/2024 - Lượt xem: 241
Thuế môn bài và thuế thu nhập doanh nghiệp là các loại thuế mà doanh nghiệp cần phải nộp. Tuỳ vào mỗi ngành nghề hoạt động kinh doanh mà nghĩa vụ nộp thuế cũng khác nhau. Cụ thể:
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Thuế môn bài là loại thuế trực thu mà các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, hộ gia đình và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh phải nộp theo định kỳ hàng năm dựa trên vốn điều lệ/vốn đầu tư của tổ chức kinh doanh hoặc theo doanh thu mỗi năm của hộ, cá nhân kinh doanh.
Thuật ngữ “thuế môn bài” trước đây được sử dụng khá phổ biến và được quy định tại Pháp lệnh 10-LCT/HĐNN7 năm 1983 (đã hết hiệu lực). Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2017 đến nay, không còn sử dụng thuật ngữ “thuế môn bài” trong các văn bản pháp luật mà thay bằng thuật ngữ “lệ phí môn bài”.
Mức thu thuế môn bài (hay lệ phí môn bài) khác nhau tùy thuộc vào người nộp là tổ chức hay hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, cụ thể như sau:
*Mức thu thuế môn bài đối với tổ chức sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thu thuế môn bài đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cụ thể như sau:
STT |
Đối tượng, căn cứ thu |
Mức thu |
1 |
Tổ chức có vốn điều lệ (trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc vốn đầu tư (trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) > 10 tỷ đồng. |
03 triệu đồng/năm. |
2 |
Tổ chức có vốn điều lệ (trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc vốn đầu tư (trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) từ 10 tỷ đồng trở xuống. |
02 triệu đồng/năm. |
3 |
Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, chi nhánh, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. |
01 triệu đồng/năm. |
*Mức thu thuế môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC, mức thu thuế môn bài đối với các tổ chức sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ được quy định như sau:
STT |
Doanh thu |
Mức thu |
1 |
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm. |
01 triệu đồng/năm. |
2 |
Doanh thu từ trên 300 triệu - 500 triệu đồng/năm |
500.000 đồng/năm. |
3 |
Doanh thu từ trên 100 triệu - 300 triệu đồng/năm |
300.000 đồng/năm. |
Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu, được tính trực tiếp dựa trên thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Thu nhập chịu thuế bao gồm các khoản: Doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, hoạt động tài chính và các khoản thu khác, sau khi đã trừ các khoản chi phí hợp lý theo quy định.
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được tính như sau:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất.
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế trong kỳ = Thu nhập chịu thuế - Thu nhập được miễn thuế (nếu có) - Các khoản lỗ được kết chuyển - Quỹ phát triển khoa học công nghệ (nếu có) (theo quy định tại Điều 6 Nghị định 218/2013/NĐ-CP).
Thu nhập chịu thuế gồm có: Thu nhập từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ (không báo gồm các khoản được miễn thuế); thu nhập từ hoạt động tài chính (tiền gửi, cổ tức,...) và các khoản thu nhập khác. Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu + thu nhập khác) - Chi phí được trừ.
Thu nhập được miễn thuế được quy định tại Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC, gồm có: Thu nhập từ nông nghiệp, thu nhập từ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp hoạt động tại vùng khó khăn; thu nhập từ dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp; thu nhập tại doanh nghiệp có lao động là người khuyết tật, HIV,... trên 30% tổng lao động; thu nhập được nhận, chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên kết, liên danh (nếu có),...
- Thuế suất thường có biên độ khoảng 20% trên tổng thu nhập chung. Thuế suất này cũng tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh, một số loại thuế suất lên tới 32 - 50% đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác dầu khí hoặc 40 - 50% đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác tài nguyên quý hiếm khác,...
*Thời hạn nộp thuế môn bài:
Căn cứ khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là vào ngày 30 tháng 01 hàng năm. Thời hạn nộp thuế môn bài của năm 2024 là chậm nhất ngày 30/01/2024.
*Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý chậm nhất là vào ngày 30 của tháng đầu của quý sau.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP cũng quy định thêm:
Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Do đó, thời hạn nộp thuế TNDN tạm tính quý 4 năm 2023 chậm nhất là vào ngày 30/01/2024.